Bệnh chàm: nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa

Thứ tư - 31/05/2023 03:48

1. Bệnh chàm là gì ?
   Bệnh chàm (eczema) hay còn gọi viêm da dị ứng (atopic dermatitis) là một tình trạng viêm lớp nông ở da làm cho da của bạn đỏ và ngứa. Bệnh này phổ biến ở trẻ em nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh chàm thường kéo dài (mãn tính) và có xu hướng bùng phát theo chu kỳ.
2. Biểu hiện của bệnh chàm là gì ?
- Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh chàm rất khác nhau ở mỗi người, bao gồm:

  • Da khô
  • Ngứa, đặc biệt là vào ban đêm
  • Các mảng màu đỏ đến nâu xám, thường xuất hiện ở bàn tay, bàn chân, mắt cá chân, cổ tay, cổ, ngực, khuỷu tay và đầu gối.
  • Các vết sưng nhỏ, nhô cao, có thể rỉ chất lỏng và đóng vảy khi bị trầy xước
  • Da dày lên, nứt nẻ, có vảy
  • Da thô, nhạy cảm, sưng tấy do gãi
  • Viêm da dị ứng thường bắt đầu trước 5 tuổi và có thể kéo dài đến tuổi thanh niên và tuổi trưởng thành. Đối với một số người, nó bùng phát theo chu kỳ và tồn tại trong một thời gian dài, có khi trong vài năm.
3. Nguyên nhân của bệnh chàm là gì ?
- Bệnh chàm có nguyên nhân chủ yếu liên quan đến một biến thể gen. Và yếu tố cơ địa này dễ làm cho da bị tác động bởi các yếu tố môi trường, chất kích ứng và chất gây dị ứng.
- Các yếu tố nguy cơ thúc đẩy vào đợt bệnh chàm:
  • Các dị nguyên gây dị ứng như: mỹ phẩm, hóa chất, thuốc, thực phẩm,...
  • Thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng.
  • Thể trạng kém làm giảm sức đề kháng chống lại các yếu tố ngoại sinh.
  • Vi sinh vật như nấm men Candida albicans.
  • Bệnh mãn tính: hen, viêm cầu thận, ...
4. Chẩn đoán bệnh chàm là gì ?
- Chẩn đoán bệnh chàm thông thường dựa vào khám vùng da tổn thương và hỏi bệnh sử.
- Một số trường hợp có thể cần xét nghiệm mẫu tế bào da vùng tổn thương, xét nghiệm máu hoặc test dị ứng da tìm nguyên nhân dị ứng

5. Điều trị bệnh chàm như thế nào ?
- Chàm thường dai dẳng nên có thể cần nhiều phương pháp điều trị khác nhau trong nhiều tháng hoặc nhiều năm để kiểm soát nó. Và ngay cả khi điều trị thành công, các dấu hiệu và triệu chứng có thể bùng phát trở lại 
Điều quan trọng là phải nhận biết tình trạng bệnh sớm để có thể bắt đầu điều trị.
  • Dưỡng ẩm da thường xuyên.
  • Thuốc thoa mỡ corticosteroid kiểm soát ngứa và giúp phục hồi da: cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc lạm dụng thuốc này có thể gây ra các phản ứng phụ, bao gồm cả làm mỏng da.
  • Thuốc thoa kháng sinh giúp chống nhiễm trùng nếu da nhiễm trùng do vi khuẩn, vết loét hở hoặc vết nứt.
  • Các loại thuốc thoa ức chế calcineurin như tacrolimus (Protopic) và pimecrolimus (Elidel) giúp hạn chế bùng phát nhưng có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch nên phải sử dụng theo hướng dẫn bác sĩ. Tránh ánh nắng mạnh khi sử dụng các sản phẩm này.
  • Thuốc corticosteroid đường uống để kiểm soát tình trạng viêm đối với những trường hợp nặng. Những loại thuốc này có hiệu quả nhưng không thể sử dụng lâu dài vì có thể có các tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) gần đây đã phê duyệt một loại thuốc kháng thể đơn dòng mới dùng bằng đường tiêm có tên là Dupilumab (Dupixent). Thuốc này được sử dụng để điều trị chàm nặng không đáp ứng với các điều trị khác.
  • Băng ướt là một phương pháp điều trị hiệu quả, chuyên sâu cho bệnh viêm da dị ứng nặng. Quấn vùng bị tổn thương bằng corticosteroid tại chỗ và băng ướt. Thường áp dụng trong bệnh viện cho những người có tổn thương lan rộng và cần yêu cầu chuyên môn của điều dưỡng.
  • Liệu pháp ánh sáng sử dụng cho những người không thuyên giảm với các phương pháp điều trị tại chỗ hoặc những người nhanh chóng bùng phát trở lại sau khi điều trị.
6. Biện pháp phòng ngừa bệnh chàm là gì ?
  • Dưỡng ẩm cho da của bạn ít nhất hai lần một ngày. Chọn một sản phẩm phù hợp với bạn.
  • Cố gắng xác định và tránh các tác nhân làm nặng thêm tình trạng bệnh. Các yếu tố có thể làm nặng thêm phản ứng của da bao gồm mồ hôi, căng thẳng, béo phì, xà phòng, chất tẩy rửa, bụi và phấn hoa. Giảm tiếp xúc với các yếu tố kích ứng của bạn.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ em có thể bị bùng phát khi ăn một số loại thực phẩm, bao gồm trứng, sữa, đậu nành. Hãy báo với bác sĩ của con bạn về việc xác định dị ứng thực phẩm tiềm ẩn.
  • Tắm trong bồn tắm hoặc vòi hoa sen ngắn hơn. Hạn chế tắm và tắm vòi sen trong vòng 10 đến 15 phút. Và sử dụng nước ấm, thay vì nước nóng.
  • Chỉ sử dụng xà phòng nhẹ nhàng. Xà phòng khử mùi và xà phòng diệt khuẩn có thể loại bỏ nhiều dầu tự nhiên hơn và làm khô da của bạn.
  • Lau khô người cẩn thận. Sau khi tắm nhẹ nhàng thấm khô da bằng khăn mềm và thoa kem dưỡng ẩm khi da còn ẩm.
(Bài viết được duyệt bởi Khoa Da Liễu PKĐK Hạnh Phúc.
Nguồn https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/atopic-dermatitis-eczema/diagnosis-treatment/drc-20353279)

Tác giả: Hữu Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đặt lịch khám
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây