Những điều cần biết về viêm xoang mãn tính

Thứ hai - 29/05/2023 22:10
Những điều cần biết về viêm xoang mãn tính
1. Viêm xoang mãn tính là gì ?
- Viêm xoang mãn tính xảy ra khi các khoang bên trong mũi và đầu bị phù nề và viêm trong ba tháng hoặc lâu hơn, mặc dù đã được điều trị.
2. Các triệu chứng của viêm xoang mãn tính ?
 - Viêm xoang mãn tính và viêm xoang cấp tính có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự nhau. Viêm xoang cấp tính là tình trạng nhiễm trùng tạm thời của các xoang thường kết hợp với cảm cúm còn các dấu hiệu và triệu chứng của viêm xoang mãn tính thường kéo dài ít nhất 12 tuần. Người bệnh có thể bị vài đợt viêm xoang cấp tính trước khi phát triển thành viêm xoang mãn tính.
- Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của viêm xoang mãn tính bao gồm:
  • Chảy dịch đặc, đổi màu từ mũi.
  • Dẫn lưu dịch mũi xuống phía sau cổ họng (dẫn lưu sau mũi).
  • Tắc hoặc nghẹt mũi, gây khó thở bằng mũi.
  • Đau, nhức và sưng quanh mắt, má, mũi hoặc trán.
  • Giảm khứu giác và vị giác.
- Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm:
  • Đau tai
  • Đau nhức ở hàm trên và răng của bạn
  • Ho hoặc hắng giọng
  • Đau họng
  • Hôi miệng
  • Mệt mỏi
3. Nguyên nhân nào gây viêm xoang mãn tính ?
- Nguyên nhân phổ biến của viêm xoang mãn tính bao gồm:
  • Polyp mũi: những mô phát triển này có thể làm tắc nghẽn đường mũi hoặc xoang.
  • Lệch vách ngăn mũi:  có thể hạn chế hoặc chặn các lỗ thông xoang, làm cho các triệu chứng của viêm xoang trở nên trầm trọng hơn.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp: thường gặp nhất là cảm cúm, có thể làm viêm, dày màng xoang và chặn sự thoát dịch nhầy. Nhiễm trùng hô hấp có thể do virus, vi khuẩn hoặc nấm.
  • Tiếp xúc thường xuyên với các chất ô nhiễm như khói thuốc lá.
  • Dị ứng: tình trạng viêm xảy ra do dị ứng có thể làm tắc các xoang.
  • Ngoài ra các biến chứng của bệnh xơ nang, HIV và các bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch khác cũng có thể dẫn đến viêm xoang mãn tính
4. Biến chứng của viêm xoang mãn tính ?
- Các biến chứng nghiêm trọng của viêm xoang mãn tính rất hiếm, nhưng có thể bao gồm:
  • Ảnh hưởng thị lực: nếu nhiễm trùng xoang lan đến hốc mắt, nó có thể làm giảm thị lực hoặc mù lòa vĩnh viễn.
  • Nhiễm trùng: viêm màng não, viêm xương, hoặc nhiễm trùng da nghiêm trọng.
5. Làm gì để chẩn đoán viêm xoang mãn tính ?
- Để chẩn đoán viêm xoang cấp cần:
  • Nội soi tai mũi họng: là phương pháp được thực hiện đầu tiên, giúp khảo sát niêm mạc xung quanh các khe mũi xoang phù nề, viêm đỏ, xuất tiết và thấy dịch màu vàng hay xanh chảy ra từ các khe này.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hay cộng hưởng từ (MRI) giúp hiển thị chi tiết các xoang và vùng mũi, xác định chính xác tình trạng viêm sâu hoặc tắc nghẽn khó phát hiện bằng nội soi.
  • Test dị ứng da nếu nghi ngờ dị ứng đã gây ra viêm xoang cấp tính. Test dị ứng da an toàn và nhanh chóng, đồng thời có thể giúp xác định nguyên nhân gây dị ứng gây bùng phát viêm xoang cấp.
  • Một số trường hợp hiếm cần nuôi cấy dịch mũi xoang khi tình trạng không đáp ứng với điều trị hoặc ngày càng xấu đi để giúp xác định nguyên nhân, chẳng hạn như vi khuẩn kháng trị hoặc nấm.
6. Các biện pháp điều trị viêm xoang mãn tính ?
  • Corticoid nhỏ mũi: giúp ngăn ngừa và điều trị viêm như fluticasone, triamcinolone, budesonide, mometasone và beclomethasone.
  • Rửa mũi bằng nước muối để rửa sạch các chất nhầy và dị ứng.
  • Corticosteroid đường uống hoặc đường tiêm: chỉ sử dụng để giảm viêm khi viêm xoang nặng. Corticosteroid đường uống có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng lâu dài, vì vậy chúng chỉ được sử dụng để điều trị khi bác sĩ thấy thật cần thiết.
  • Thuốc kháng sinh: cần thiết khi viêm xoang mãn tính do nhiễm trùng bởi vi khuẩn.
  • Liệu pháp miễn dịch: nếu dị ứng góp phần gây viêm xoang, liệu pháp miễn dịch giúp giảm phản ứng của cơ thể với các chất gây dị ứng cụ thể.
  • Phẫu thuật nội soi xoang được sử dụng để mở các đoạn bị tắc.
  • Trong trường hợp điều trị nội khoa thất bại, phẫu thuật nội soi xoang là cần thiết để Mở rộng lỗ thông xoang hẹp, loại bỏ mô hoặc cắt bỏ polyp gây tắc nghẽn.
7. Phòng ngừa viêm xoang mãn tính.
  • Điều trị sớm viêm xoang cấp, tránh để gây biến chứng thành viêm xoang mạn.
  • Tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Hạn chế tiếp xúc với những người bị cảm lạnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước, đặc biệt là trước bữa ăn.
  • Kiểm soát tình trạng dị ứng.
  • Tránh khói thuốc lá và không khí ô nhiễm. Khói thuốc lá và các chất gây ô nhiễm không khí có thể gây kích ứng mũi xoang.
(Bài viết được duyệt bởi Khoa Tai Mũi Họng PKĐK Hạnh Phúc Nguồn https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-sinusitis/symptoms-causes/syc-20351661#dialogId 43527740)

Tác giả: Hữu Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây