Táo bón ở trẻ em

Thứ bảy - 27/05/2023 04:04
Táo bón theo cách hiểu thông thường là trẻ gặp khó khăn trong việc đi cầu như: Tần suất đi cầu ít hơn mọi khi và phân cứng, có thể gây đau đi cầu.
Trẻ bị táo bón (ảnh internet)
Trẻ bị táo bón (ảnh internet)
1. Những vấn đề thường gặp khi trẻ bị táo bón:
    Ngoài việc giảm số lần đi cầu, trẻ táo bón có thể có những biểu hiện sau:
  • Than đau khi đi cầu: Nguyên nhân là do phân cứng làm rách hậu môn của trẻ gây đau và chảy máu. Trẻ đau hậu môn sẽ tiếp tục nhịn, không dám đi cầu và khiến cho việc táo bón nặng lên.
  • Són phân: Trẻ bị táo bón có thể bị són phân ở quần không kiểm soát.Nguyên nhân là do khi bị táo bón, dịch ruột sẽ ứ lại quanh khối phân cứng gây tắt nghẽn. Nếu dịch ứ nhiều sẽ són ra ngoài gây triệu chứng són phân lỏng.
  • Đau bụng quanh rốn, từng cơn, tái đi tái lại nhiều lần.
2. Những nguyên nhân thường gây táo bón ở trẻ em: 
    Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em thường không rõ ràng, có thể do:
  • Nhịn đi cầu: Thỉnh thoảng trẻ cố nhịn không đi cầu (do trẻ mải chơi, trẻ bị rách hậu môn,…).Ở lứa tuổi học trò, trẻ nhịn đi cầu do nhà vệ sinh dơ, thiếu sự riêng tư hay bị trêu chọc.
          → Việc nhịn đi cầu quá lâu sẽ khiến cho phân trở nên khô và cứng. 
          → Trẻ mất cảm giác “mắc cầu”: do đường ruột quen với việc có khối phân lớn bên trong, nên sẽ không tạo nhu động ruột để tạo cảm giác mắc cầu khi có phân.
  • Ăn không đủ chất xơ: Chất xơ rất quan trọng giúp kích thích ruột hoạt động tạo ra các nhu động ruột thường xuyên và đều đặn. Tất cả chúng ta đều cần ăn các thực phẩm nhiều chất xơ hàng ngày như rau củ, trái cây,… Ăn thiếu chất xơ sẽ giảm kích thích ruột và gây ra táo bón.
  • Uống không đủ nước: Nước giúp làm mềm phân sẽ khiến việc đi cầu dễ dàng và ít đau hơn.
  • Trẻ bị bệnh: Như viêm mũi họng, viêm amyđan,… cũng khiến cho trẻ bị bón do trẻ ăn, uống ít hơn. Hoặc do thuốc điều trị.

     Ngoài ra, còn có một số bệnh lý đặc biệt gây bón như dài đại tràng, phình đại tràng bẩm sinh,…3. Cần làm gì khi trẻ bị bón?
    Thông thường, phân cứng bón sẽ tạo lập sau khoảng 2 – 3 ngày không đi tiêu. Điều quan trọng cần làm là lấy “nút phân cứng” ra ngoài, giúp ruột phục hồi nhu động bình thường, và làm mềm phân để trẻ có thể đi cầu dễ dàng không đau.
    Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý nếu trẻ bón hơn 2 ngày.
    Cách lấy phân cứng:

  • Dùng thuốc xổ (thuốc nhuận tràng) hợp lý.
  • Có thế phối hợp thêm bơm, thụt tháo phân; làm cho “nút phân” được mềm ra; giúp trẻ giảm đau khi đi tiêu. Và trẻ có cảm giác mắc cầu.
    Sau khi lấy được khối phân cứng ra ngoài, trẻ phải tiếp tục uống thuốc làm mềm phân trong nhiều tuần thậm chí nhiều tháng để giúp phân mềm dễ đi và tập thói quen đi cầu cho trẻ. Việc sử dụng thuốc và thời gian dùng thuốc cần sự tư vấn và theo dõi của bác sĩ.
4. 
Phòng ngừa táo bón cho trẻ:
  • Trẻ cần ăn đủ chất xơ: Cho trẻ ăn ít nhất một muỗng rau cho mỗi bát cháo hay cơm.Cho trẻ ăn thêm trái cây như mận khô, táo, kiwi, cam quýt bưởi, quả bơ, chuối, đu đủ, thanh long, hạt chia … hàng ngày.Các loại đậu, ngũ cốc, yến mạch cũng chứa nhiều chất xơ
  • Uống đủ nước: 50ml nước cho mỗi kilogram cân nặng mỗi ngày. Nghĩa là nếu trẻ nặng 10kg thì trẻ cần uống tối thiểu 500ml nước (tương một chai nước suối) mỗi ngày.
  • Tập thói quen đi cầu cho trẻ: Nên tập cho trẻ đi tiêu vào buổi chiều, tại nhà. Đi tiêu ngay khi trẻ có nhu cầu.
  • Cần khám Bác sĩ khi bé tiêu bón > 3 ngày
Cách ngồi bồn cầu đúng cách theo chuẩn khoa học
Cách đi bồn cầu đúng cách theo các nhà khoa học ghi nhận đó là:
  1. Tạo một phần gấp khúc 35 độ giữa lưng và phần chân. Hay còn gọi theo cách thân quen của nước ta đó là “ngồi xổm”. Khi ngồi theo tư thế này, phần ruột của chúng ta sẽ được giữ thẳng. Từ đó phân dễ dàng được đào thải ra ngoài mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào.
  2. Nên kê một chiếc ghế nhỏ ở dưới trong khi đi vệ sinh. Cố gắng co chân tạo thành góc 35 độ với thân trên để quá trình đào thải dễ dàng hơn.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS. BS. Trần Thị Kim Thu 

Tác giả: Hữu Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây